Cách gọi tên các biến thể của Corona virus, tại sao virus lại thường xuyên biến đổi như vậy?

Cập nhật: 24/06/2021 Lượt xem: 2118

Cách gọi tên các biến thể của Corona virus, tại sao virus lại thường xuyên biến đổi như vậy?

Gần đây cứ một vài tuần chúng ta lại thấy xuất hiện một biến thể mới trong nhóm biến thể đáng lo ngại và đáng quan tâm của Corona virus (SARS-COV-2). Cách gọi tên chúng như thế nào và tại sao Corona virus lại thường xuyên xuất hiện các biến chủng mới như vậy?

Ngày 31.5.2021, WHO thông báo gọi tên các biến thể của virus Corona theo bảng chữ cái Hy Lạp nhằm tránh kỳ thị các quốc gia phát hiện ra biến thể này lần đầu tiên.

WHO cho biết, tên gọi khoa học các biến thể (ví dụ B.1.1.7) của Corona virus có những thuận lợi riêng nhưng lại khó đọc, khó nhớ và dễ bị hiểu sai, do đó mọi người thường hay gọi các biến thể dựa vào nơi chúng được phát hiện. Trong lịch sử, dịch bệnh thường được gọi tên theo tên địa phương nơi phát hiện ra bệnh lần đầu tiên.Ví dụ virus Ebola ở Congo do virus được phát hiện lần đầu 1976 gần con sông Ebola, hoặc đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi 1918 được phát hiện lần đầu ở Tây Ban Nha. Nhưng tên gọi dịch virus Corona ban đầu là virus Vũ Hán do chúng được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán đã gây ra một làn sóng kỳ thị thù ghét người gốc Á ở Mỹ và châu Âu. Để tránh sự kỳ thị này, WHO cho biết sẽ gọi tên các biến thể trong nhóm các biến thể đáng lo ngại và biến thể đáng quan tâm bằng ký tự Alphabet của bảng chữ cái Hy Lạp. Cách gọi mới này không thay thế cho tên khoa học nhưng đơn giản, dễ đọc, không gây ra sự kỳ thị với các quốc gia phát hiện và báo cáo các biến thể mới. Theo cách gọi này thì virus Corona đã có các biến thể:

- Biến thể Alpha (B.1.1.7) là biến thể đầu tiên phát hiện ở Anh được WHO liệt vào nhóm đáng lo ngại. Biến thể Alpha được cho là do thay đổi đoạn N501Y bên trong miền liên kết receptor của gai glucoprotein, đây là liên kết với enzyme ACE2 của tế bào người. Biến chủng này làm gia tăng đáng kể tỉ lệ người nhiễm bệnh.

- Biến thể Beta (B.1.351) phát hiện lần đầu ở Nam Phi.

- Biến thể Gamma (P1) phát hiện lần đầu ở Brazil

- Biến thể Delta (B.1.617) phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. Biến thể này được chia thành các dòng phụ:

+ Biến thể Delta (dòng phụ B.1.617.2)

+ Biến thể Kappa (dòng phụ B.1.617.1)

Các biến thể tiếp theo trong hai nhóm trên sẽ được gọi tên theo thứ tự tiếp theo trong bảng chữ cái Hy Lạp.

+ Biến thể Delta plus (AY.1) được báo cáo gần đây nhất phát hiện ở Ấn Độ. Delta plus là biến thể Delta kết hợp với đột biến  K417N (được phát hiện trước đó trong biến thể Beta) làm cho Delta plus dễ lây lan hơn. Plus là cộng thêm, đây là biến thể delta cộng thêm với đột biến K417N nên biến thể này được gọi là Delta Plus. Tuy nhiên hiện nay chưa đủ dữ liệu chứng minh biến chủng Delta plus là biến chủng đáng lo ngại vì đến nay (24.6.2021) mới chỉ có 22 trường hợp được phát hiện.

Các biến thể Beta (B.1.351), Gamma (P.1) và Epsilon (B.1.427, B.1.429)

Biến thể beta được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng Mười hai năm 2020 và nó vẫn có ảnh hưởng lớn ở khu vực này. Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ vào cuối tháng Một năm 2021, nhưng hiện chỉ chiếm chưa đến 1% số các ca nhiễm ở Hoa Kỳ ở Qatar, hiệu quả của 2 liều vắc-xin mRNA Pfizer-BioNTech trong việc ngăn ngừa bất kỳ lây nhiễm nào với beta biến thể là 75% và hơn 97% ngăn ngừa bệnh nặng, nguy kịch hoặc tử vong.

Biến thể gamma lần đầu tiên được phát hiện ở những du khách đến từ Brazil, những người này đã được xét nghiệm trong quá trình sàng lọc thường quy tại một sân bay ở Nhật Bản, vào đầu tháng Một năm 2021. Biến thể này có ảnh hưởng lớn ở Brazil và đang lan rộng khắp Nam Mỹ (12); nó chiếm 16,4% số các ca nhiễm vào ngày 19 tháng Sáu năm 2021, tại Hoa Kỳ, gần như tăng gấp đôi trong tháng trước (13). Biến thể đang xuất hiện này phải được theo dõi chặt chẽ.

Các biến thể epsilon lần đầu tiên được xác định ở California vào tháng Hai năm 2021, nhưng hiện chỉ chiếm dưới 1% số các ca nhiễm ở Hoa Kỳ (13).

Biến thể Delta (B.1.617.2): Biến thể delta, có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ, có tốc độ lây truyền cao hơn khoảng 40% so với biến thể alpha, bản thân nó có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng vi-rút ban đầu. Ở Anh, biến thể delta hiện đã thay thế các biến thể khác và hiện chiếm 96% tổng số trường hợp mới được phân tích về mặt di truyền.

Các triệu chứng của nhiễm biến thể delta được ghi nhận là khác biệt, thường bao gồm đau đầu, đau họng và chảy nước mũi, thay vì các triệu chứng điển hình của COVID-19 (ví dụ: ho, sốt, mất khứu giác hoặc vị giác).

Một câu hỏi rất nhiều người đặt ra là: Tại sao có nhiều loại virus rất ít biến đổi chẳng hạn virus viêm gan B (HBV) lại có nhiều loại virus rất hay biến đổi chẳng hạn SARS-CoV-2? Câu trả lời như sau:

Virus không phải là một tế bào hoàn chỉnh mà chúng chỉ chứa các vật liệu di truyền hoặc là DNA hoặc là RNA. Các virus có lõi DNA gồm một chuỗi xoắn đôi, liên  cộng thêm đột biến K417Nhai chuỗi theo một quy luật chặt chẽ, chúng thường nhân bản trong nhân của tế bào vật chủ, nên chúng rất ít bị sai sót (biến đổi), ví dụ virus viêm gan B. Các virus có lõi RNA chúng là các chuỗi đơn được phân chia thành các sợi đơn lẻ là sợi RNA dương (+) hoặc sợi RNA âm (-). Các virus có lõi RNA thường nhân bản ở nguyên sinh chất của tế bào vật chủ. Cách phiên mã của RNA không liên quan đến cơ chế kiểm tra lỗi giống như trong phiên mã của DNA, nên các virus có lõi RNA rất dễ bị sai sót trong quá trình phiên mã mà chúng ta gọi là đột biến. Các retrovirus (là các virus có sợi RNA dương bản) và SARS-CoV-2 là các virus có lõi RNA sợi đơn, dương bản (thuộc nhóm IV theo phân loại của Baltimorre) nên chúng có nhiều đột biến là như vậy. Để biết thêm thông tin về phân loại virus, xin mời đọc bài: http://hahoangkiem.com/benh-truyen-nhiem/virus-mot-the-gioi-vi-sinh-vat-huyen-bi-3807.html

Tình trạng lỗi gene (hay đột biến gene) thường xảy ra trung bình 2 tuần một lần trong bất cứ chuỗi di truyền nào của virus. Hầu hết sự thay đổi không gây ra sự khác biệt đáng kể, nhiều biến đổi lại gây ra bất lợi cho virus như làm chúng chậm nhân lên và giảm độc lực, những người bị nhiễm biến chủng này giống như được tiêm vaccine, nhưng có một số biến đổi lại làm xuất hiện các đặc tính có lợi cho virus như dễ lây lan hoặc có độc tính mạnh hơn. Các biến chúng mới có hại hơn cho vật chủ này được WHO xếp vào hai nhóm: nhóm biến thể đáng lo ngại và nhóm biến thể đáng quan tâm.

Virus Corona biến đổi liên tuc như vậy liệu chúng ta có lo lắng các vaccin chúng ta đã phát triển liệu có mất hiệu lực, và dịch cứ bùng phát và lan tràn hết đợt này đến đợt khác hay không?

Chúng ta thấy với các virus ít biến đổi, chúng ta có thể xóa chúng khỏi danh sách bệnh tật khi đã có vaccine như virus đậu mùa, virus bại liệt… Các virus luôn biến đổi như cúm cũng gây ra các đại dịch, nhưng khi chúng ta đã đạt tới miễn dịch cộng đồng thì có thể sống chung với chúng và coi chúng là cúm mùa. Virus Corona cũng vậy, chúng luôn biến đổi làm chúng ta có thể không xóa được chúng khỏi danh sách bệnh tật, nhưng khi chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng thì có thể sống chung với chúng giống như cúm mùa. Đây cũng là chiến lược mà hiện Singapor đang hướng tới, cho nên vaccine vẫn là vấn đề cơ bản để đẩy lùi dịch Covid. Minh chứng là tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM ngày 11/6 có 52 nhân viên bệnh viện bị nhiễm SARS-CoV-2 thì chỉ có 1 người là nhân viên PCNTT có triệu chứng nhẹ chỉ cách ly ở nhà và làm việc online mà không phải nhập viện điều trị, trước đó bệnh viện đã tiêm phòng cho 1200 cán bộ nhân viên xong mũi vaccine thứ hai. Các chuyên gia đều cho rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng có thể không có triệu trứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Biên soạn: thứ 5, ngày 24 tháng 6 năm 2021.  Hà Hoàng Kiệm.

Tài liệu tham khảo:

1. WHO gọi tên các biến thể virus Corona bằng bảng chữ cái Hy Lạp để tránh kỳ thị. Tuoitre.online. Thứ 4 ngày 23 tháng 6 năm 2021.

2. Biến thể Delta plus có đáng lo ngại. vnexpress.net. Th5.24 tháng 6.2021.

3. Delta plus, biến thể covid – 19 mới có đáng sợ? thanhnien.online. Thư 2 ngày 3/6/2021.

4. http://benhnhietdoi.vn/tin-tuc/chi-tiet/dai-cuong-ve-coronavirus/920

5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Coronavirus

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI